VIDEO BÀI GIẢNG

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT

tuyen sinh 2

 ảnh ts2

HỘI CHỨNG THIẾU MÁU

I. ĐẠI CƯƠNG

            Thiếu máu là sự giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm số lượng huyết cầu tố trong máu ngoại biên, dẫn đến máu thiếu oxy để cung cấp cho các tế bào trong cơ thể. Thiếu máu không phải chỉ là giảm khối lượng máu trong cơ thể.

II. Cách khám và phát hiện thiếu máu

1. Hỏi bệnh

            Trước một bệnh nhân bị thiếu máu, muốn biết nguyên nhân cần phải khai thác để biết hoàn cảnh và tiền sử của bệnh. Những điều cần hỏi:

1.1. Nghề nghiệp của bệnh nhân

            - Làm ruộng trồng rau, dùng nhiều phân tươi dễ bị thiếu máu do giun móc

            - Công nhân nhà in, làm trong dầu mỏ, tiếp xúc với hoá chất: Chì (Pb), Benzen ... dễ bị nhiễm độc gây thiếu máu.

            - Người sử dụng quang tuyến X dễ bị thiếu máu

1.2. Chế độ ăn uống sinh hoạt của bệnh nhân: Có đủ ăn không? Có nghiện rượu không?

1.3. Tiền sử bản thân và bệnh tật của người bệnh

            - Có bệnh mạn tính không: Viêm ruột, loét dạ dày, chảy máu cam, rong kinh, trĩ, u xơ tử cung ...

            - Các thuốc đã dùng trong thời gian điều trị.

2. Khám bệnh

2.1. Triệu chứng toàn thân: Da xanh, niêm mạc nhợt, lòng bàn tay trắng nhợt, mi mắt hơi phù nề, mắt cá chân phù nhẹ. Móng tay khô dễ gãy và có thể khum.

2.2. Triệu chứng cơ năng

            - Ù tai, hoa mắt, chóng mặt, thoáng ngất và ngất. Có lúc loạng choạng, muốn ngã.

            - Khi gắng sức: Đi nhanh hoặc lên cầu thang mang xách nặng thì trống ngực dồn dập.

            - Rối loạn tiêu hoá: Chán ăn, buồn nôn, ỉa lỏng.

            - Chức năng sinh dục giảm: nữ rối loạn kinh nguyệt, bế kinh hoặc kinh kéo dài; nam: Khả năng tình dục kém hoặc mất.

            - Khó thở khi gắng sức (trong trường hợp thiếu máu nặng hoặc kéo dài)

2.3. Triệu chứng thực thể

            - Mạch nhanh, tiếng tim có tiếng thổi tâm thu.

            - Nếu thiếu máu nặng kéo dài, diện dục của tim to ra và có dấu hiệu suy tim rõ rệt.

2.4. Triệu chứng cận lâm sàng: Muốn xác định mức độ thiếu máu cần phải xét nghiệm máu.

            + Bình thường, ở người trưởng thành có:

            - Số lượng hồng cầu: 4.000.000 -5.000.000 Hc/1mm3 máu

            - Định lượng huyết sắc tố: 14-16g/100ml máu

            + Thiếu máu, khi số lượng hồng cầu dưới 3,8 triệu/1mm3

            + Thiếu máu, khi định lượng huyết cầu tố dưới 14g%

* Ngoài ra, người ta còn chú ý đến hình thái và kích thước của hồng cầu.

III. Phân loại nguyên nhân thiếu máu

            Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, ta có thể phân loại thiếu máu dựa vào:

                        + Số lượng, chất lượng máu

                        + Kích thước, màu sắc hồng cầu

* Dựa vào số lượng và chất lượng của máu:

1. Thiếu máu do mất máu

1.1. Mất máu cấp tính: Chảy máu cấp do chấn thương đứt mạch máu lớn, chảy máu tiêu hoá (nôn ra máu, ỉa ra máu nhiều), ho ra máu, giập các phủ tạng bên trong, chảy máu sau đẻ, sốt xuất huyết nội tạng nặng ...

1.2. Mất máu mạn tính: Mỗi ngày mất một ít nhưng kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Gặp trong: U xơ tử cung, trĩ, ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, các bệnh giun sán(giun móc)

2. Thiếu máu do thiểu dưỡng

2.1. Thiếu Protid

            - Do đói ăn, không đủ chất lượng đạm trong khẩu phần ăn.

            - Do không ăn được: Hẹp môn vị, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày

            - Do ăn được nhưng không hấp thu được: Viêm ruột, ỉa chảy mạn tính

2.2. Thiếu Vitamin B12: Bệnh thiếu máu Biermer, do cắt đoạn dạ dày làm mất yếu tố nội tại do vùng đáy dạ dày tiết ra, nên không hấp thu được Vitamin B12.

2.3. Thiếu chất sắt (hay gặp ở Việt Nam): do mất máu mạn tính, giun sán, chửa đẻ nhiều.

3. Thiếu  máu do rối loạn sự tái tạo hồng cầu

3.1. Các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính: Viêm thận mạn, sốt rét, lao phổi

3.2. Các bệnh nhiễm dộc: Nhiễm độc phóng xạ, chì, Benzen, X. quang

3.3. Các bệnh nội tiết: Suy tuyến giáp

3.4. Các bệnh về máu: Bệnh suy tuỷ xương, bệnh bạch cầu cấp và mạn, u ác tính, bệnh huyết tán.

3.5. Một số bệnh bẩm sinh: Tim bẩm sinh

* Dựa vào màu sắc và kích thước của hồng cầu

1. Thiếu máu ưu sắc

            - Loại thiếu máu do hồng cầu to, huyết cầu tố nhiều. Nguyên nhân chính là thiếu Vitamin B12 (gặp ít) sau phẫu thuật cắt đoạn dạ dày; thiếu máu Biermer.

            - Điều trị chính là cho Vitamin B12

2. Thiếu máu nhược sắc

            - Loại thiếu máu do hồng cầu nhỏ, huyết cầu tố ít, thường kèm theo thiếu sắt huyết thanh. Gặp trong các bệnh: Trĩ nội ngoại, u xơ tử cung, loét dạ dày tá tràng, giun móc, viêm ruột, ung thư trực tràng.

            - Điều trị là cho thuốc có chất sắt: Siro hoặc viên sắt.

3. Thiếu máu đẳng sắc

            - Thiếu máu hồng cầu bình thường và huyết cầu tố bình thường, hay gặp chủ yếu trong các bệnh máu ác tính như huyết tán, suy tuỷ xương, nhiễm độc chì (Pb) hoặc sau một chấn thương ngoại khoa, mất máu nhiều sau phẫu thuật.

            Xử lý chung là truyền máu cho bệnh nhân.

IV. Điều TRỊ

1. Điều trị nguyên nhân của thiếu máu là một điều rất quan trọng

2. Tuỳ theo mức độ và loại thiếu máu: điều trị bằng chất sắt, vitamin B12, truyền máu.

V. Phòng bệnh

1. Đảm bảo đủ đạm và vitamin trong khẩu phần ăn

2. Điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và các bệnh đã mắc

            - Viêm cầu thận cấp, sốt rét, tẩy giun sán

            - Loét dạ dày tá tràng

3. Thực hiện chế độ bảo hộ lao động cho công nhân tiếp xúc với chất độc: Chì, benzen, X.quang.

4. Không dùng phân tươi trong tưới trong nông lâm ngiệp.

BỘ MÔN LÂM SÀNG